Sử dụng trong đông y Mướp hương

Bộ phận dùng

Xơ mướp (retinervus Luffae Fructus), thường gọi là Ty qua lạc, Quả tươi (Fructus Luffae), thường gọi là Sinh ty qua. Lá, dây, rễ, hạt cũng được dùng[4].

Tính vị, tác dụng

Tính vị[4]

  • Xơ Mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc, lợi niệu tiêu thủng.
  • Lá Mướp có vị đắng, chua, hơi hàn; có tác dụng chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc, hoá đàm chỉ khái.
  • Hạt Mướp có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, nhuận táo, sát trùng.
  • Dây Mướp có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hoá đàm.
  • Rễ Mướp có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
  • Quả Mướp có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, lương huyết giải độc.

Công dụng[4]

  • Quả Mướp thường dùng ăn chữa được chứng đậu sởi, khỏi lở sưng đau nhức, lại kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ đang nuôi con và tăng cường sự tuần hoàn.
  • Xơ Mướp thường dùng trị gân cốt đau nhức, đau mình mẩy ngực sườn, bế kinh, sữa chảy không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thủng.
  • Lá dùng trị ho gà, ho, nắng nóng miệng khát; dùng ngoài trị vết thương chảy máu ghẻ lở, bệnh mụn.
  • Hạt dùng trị ho nhiều đờm, giun đũa, đái khó.
  • Dây Mướp dùng trị đau lưng, ho, viêm mũi, viêm nhánh khí quản.
  • Rễ dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi.